Ăn nhiều dưa leo gây lạnh bụng, đầy bụng, không tiêu, gây hư nhiệt. Dưa leo hơi khó tiêu nếu không nhai kỹ. Tránh ăn lúc trời mưa ẩm thấp, người mới ốm dậy. Trẻ em không nên lạm dụng dưa leo sống.
Thành phần trong 100g dưa leo như sau: nước (95%), đạm (0,8%), đường (3%), chất xơ (0,7%), canxi (23mg), phốt pho (27mg), sắt (1mg), vitamin A (0,3mg), vitamin B1 (0,03mg), vitamin B2 (0,04mg), vitamin PP (0,1mg), vitamin C (5mg). Ngoài ra còn có selen, lưu huỳnh, mangan, iod, kali, chất nhầy. 100g dưa leo cung cấp 16 calo.
Quả dưa nhỏ, vỏ càng xanh càng chứa hàm lượng biotin cao (chất bổ dưỡng da), hàm lượng vitamin C và selen cao hơn nhiều so với quả to. Vitamin C và selen tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống bệnh tật. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo trong trồng trọt nên tăng số lượng quả, hơn là tạo quả to. Dưa leo thuôn dài dưới 20cm, cuống nhỏ có chất lượng tốt nhất.
Theo Tây y, dưa leo có tác dụng lọc máu, lợi tiểu, bài sỏi, hòa tan axít uric và muối urat, phòng chống bệnh thống phong (gút), an thần, hạ sốt, chữa một số bệnh ngoài da như: nếp nhăn, nứt nẻ, da mốc, tàn nhang, da nhờn. Để nuôi dưỡng da mặt, nên đắp dưa leo tươi. Vì giúp da mịn màng nhờ có chất “dung môi sinh vật” đẩy mạnh quá trình trao đổi chất, làm giãn mao mạch trong da dẫn đến tuần hoàn máu được thuận lợi.
Tác dụng dưỡng da, chống khô da
Thức ăn khai vị: dưa leo thái lát mỏng. Gừng giã nhuyễn, cho nước sôi vào, chắt lấy nước gừng trộn với dưa leo. Còn dùng cho người sợ dưa leo lạnh gây đầy bụng.
Nước dưa leo: dưa leo 1 quả, táo 1 quả, nước chanh 20g, mật ong 20g, cà rốt 1 củ. Ép các loại củ quả rồi cho mật ong, nước chanh trộn đều. Món ăn nhiều sinh tố này bồi bổ sức khỏe mùa hè, chống mỏi mệt, uể oải.
Trẻ em bị lỵ mùa hè, do thấp nhiệt: 10 quả dưa leo non thái nhỏ, nấu với mật mía. Hoặc dưa leo muối nấu lấy nước, nấu cháo cho trẻ ăn.
Canh cho bệnh nhân bị thống phong (gút): dưa leo một quả, bỏ ruột thái mỏng, mộc nhĩ một nắm, muối 2,5g, dầu vừng 25g. Mỡ và xì dầu một ít vừa đủ. Xào mộc nhĩ trước, cho dưa leo sau, nêm gia vị.
Cháo thuốc chữa động kinh: lấy 50g dưa leo non đun lấy nước, cho 50g tiểu mạch vào, nấu cháo nhừ, thêm 15g đường phèn.
Lợi tiểu, tiêu phù: dưa leo thái lát, nấu sôi với ít dấm, ăn cả cái lẫn nước.
Súp dưa leo muối: dưa leo muối 200g thái lựu, thịt bò nạc 200g thái lựu, tỏi 3g, hành 3g, cần tây 10 gam, dầu ô-liu 5g, gia vị chanh tiêu. Món ăn ngon mát vào mùa hè.
Dưa leo làm mỹ phẩm: lấy 2 lát dưa leo nghiền nhuyễn, trộn thêm 1 lòng đỏ trứng cút, 1 thìa dầu ăn, 1 thìa mật ong, trộn đều thành hỗn hợp mịn dẻo, cho vào tủ lạnh nửa giờ. Trước khi đi ngủ, xoa lên mặt để 30 phút đến 1 giờ thì rửa sạch và để cho khô trước khi nằm. Tác dụng dưỡng da, chống khô da.
Quả dưa nhỏ, vỏ càng xanh càng chứa hàm lượng biotin, hàm lượng vitamin C và selen cao hơn nhiều so với quả to
Chữa hôi miệng do tỳ vị nhiệt: dưa leo gọt lấy vỏ nấu nước uống hàng ngày.
Chữa xơ vữa động mạch:
- Dưa leo 1 trái, cà chua 1 trái. Rửa sạch, xắt lát, thêm muối và đường trắng, dấm, trộn gỏi thì dùng.
- Dưa leo, đậu hủ ky ngâm nước 200g, bột năng, dầu ăn, hành hoa, gừng tươi sợi, tỏi lát, muối, bột nêm, nước tương, dấm, nước dùng với mỗi thứ vừa đủ. Đậu hủ ky cắt lát dài 4cm cho vào chén, phết lên bột năng, dưa leo xắt lát dài 3cm, rộng 1cm. Đổ dầu vào chảo, cho nóng, thêm đậu hủ ky chiên, vớt ra cho ráo dầu. Chừa dầu trong chảo, thêm gừng hành tỏi phi thơm, đổ dưa leo xào đến gần chín, thêm đậu hủ ky, thêm nước dùng, nêm muối bột nêm nước tương dấm, sau khi nấu sôi dùng bột năng làm xốt, rưới dầu mè thì dùng.
Chữa cao mỡ máu:
- Dưa leo 250g, nấm mèo đen ngâm nước 50g, dầu ăn, muối, hành hoa, gừng băm với mỗi thứ vừa đủ. Dưa leo xắt lát. Bắc chảo lên bếp, đổ dầu, hành, gừng phi thơm, thêm dua leo, nấm mèo đen đảo nhanh, thêm muối xào chín.
- Dưa leo 500g, đường trắng, dầu mè, muối, dấm trắng với mỗi thứ vừa đủ. Dưa leo móc bỏ ruột, xắt lát dài 5cm, rộng 2cm, cho vào tô, ướp muối 5 phút, chắt nước ra. Bắc chảo lên bếp, đổ nước dưa leo vào, đường, đun sôi cho đặc, thêm dấm, rưới lên dưa leo, ngâm 1 giờ thì rưới dầu mè.
Chữa bệnh đái tháo đường:
- Dưa leo 250g, tỏi băm 30g, nước tương, dấm, dầu mè với mỗi thứ vừa đủ. Dưa leo xắt lát, chứa trong thau. Tỏi băm, nước tương, dấm, dầu mè làm xốt, trộn vào dưa leo làm gỏi.
- Dưa leo 500g, sữa đậu nành 250ml, tỏi băm vừa đủ. Dưa leo rửa sạch vỏ, ngâm trong nước ấm vài phút, xắt nhuyễn, vắt nước cốt, gạn lọc qua vải sạch, lấy nước. Sữa đậu nành đổ vào nồi đất, đun sôi bằng lửa vừa, trộn vào nước dưa leo, thêm tỏi băm một ít trộn đều. Dùng sáng và chiều.
Chữa tàn nhang:
Dưa leo 1 quả, xắt nhỏ, ép lấy nước, trộn với sữa chua thành kem bôi mặt. Mỗi lần 20 phút, 2 lần/ngày.
Chữa da mặt sạm, thô do bôi mỹ phẩm “dỏm”, ra nắng nhiều:
Dưa leo 2 quả, mướp 1 quả, xắt miếng ép lấy nước, cho mật ong vừa đủ thành một thức uống ngọt. Bã nhào nhuyễn với đậu phụ thành thuốc đắp 20 phút thì rửa sạch. Cách ngày một lần.
Giảm béo phì:
- Hàng ngày lấy khoảng 120g dưa leo tươi xắt miếng, trộn dầu dấm, gia vị để ăn như một món salat. Có thể kèm với giá đậu xanh sống, cà chua chín tươi sống, củ cải.
- Dưa leo 200g, bí đao 200g, sơn tra 50g, vỏ quýt tươi 30g, mật ong vừa đủ. Dưa, bí đao, sơn tra bỏ hạt, vỏ quýt xắt nhỏ. Ép lấy nước, hoà mật ong uống hàng ngày.
BS. NGÔ VĂN TUẤN